Đơn vị nghiệp vụ

(028) 3872 3316 - 3872 3317

ext
20/10/2014

Xe "cơi nới" gặp rắc rối khi đăng kiểm

Trước đây, nhiều chủ xe tải đã cơi nới thùng xe để có thể chở được nhiều hàng hơn. Nay những xe này đang gặp rắc rối lớn khi mang xe đi đăng kiểm. Khá nhiều xe tải phải nằm yên trong nhà chờ đăng kiểm lại vì xe nặng hơn so với giấy tờ đăng ký xe.

Thời gian gần đây, mức chênh lệch tự trọng (sức nặng của bản thân xe) giữa thông số kỹ thuật của nhà sản xuất và trọng lượng cân thực tế đang khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhà phân phối xe tải lẫn ngành đăng kiểm “đau đầu”.

Kể từ giữa quí 2-2014, khá nhiều xe tải của các doanh nghiệp vận tải khi đi kiểm định theo định kỳ đã không thể “qua ải” do xe nặng hơn so với thông số kỹ thuật của nhà sản xuất/nhập khẩu, vì thế không được cấp phép lưu thông trên đường.

Một số xe tải trước đó đã cơi nới thùng xe chở hàng, dù chủ xe đã phục hồi nguyên trạng, vẫn có khối lượng bản thân xe vẫn cao hơn so với thông số kỹ thuật của nhà sản xuất/nhập khẩu. Có những trường hợp tự trọng xe tăng thêm đến 3-4 tấn.

Trước đây, các trạm đăng kiểm chỉ căn cứ vào thông số kỹ thuật do các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu xe tải chứng nhận để xác định tự trọng của xe tải để cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (có thể gọi là giấy đăng kiểm).

Vào cuối tháng 5-2014, có một số trường hợp xe tải do có chênh lệch về tự trọng nên cơ quan đăng kiểm không cấp giấy đăng kiểm và doanh nghiệp vận tải bị đình trệ kinh doanh, sau đó nhờ Cục Đăng kiểm có văn bản chấp nhận điều chỉnh theo khối lượng thực tế nên các doanh nghiệp có thể tiếp tục đưa xe tải ra lưu hành.

Theo văn bản 1641/ĐKVN nhằm “Hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong kiểm định”, nếu khối lượng bản thân xe (tự trọng) vượt quá thông số kỹ thuật do nhà sản xuất/phân phối cung cấp thì cơ quan đăng kiểm phải ghi nhận mức khối lượng mới của xe tải vào hồ sơ đăng kiểm; chủ phương tiện phải có đơn đề nghị điều chỉnh thông số này…

Một số đơn vị phân phối xe tải tại TPHCM cho biết, đối với các loại xe tải đã qua đăng kiểm trước đây, không có sự thay đổi về kết cấu xe, sẽ không có vấn đề gì, còn một số mẫu xe mới tung ra thị trường thì nhà sản xuất cần cung cấp thông số kỹ thuật về thùng xe tải (chiều cao/dài) cho ngành đăng kiểm.

Trên thực tế, gặp khó khăn nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng các loại xe ben (thùng xe tự đổ), xe bồn (chở xăng/dầu)… Hầu hết các loại xe này đang bị mắc lỗi khối lượng bản thân xe vượt quá chỉ số tự trọng có trong giấy chứng nhận của nhà sản xuất/phân phối.

Với cách kiểm định mới, các doanh nghiệp vận tải chịu thiệt vì trọng tải của xe bị giảm xuống do tự trọng tăng lên. Ví dụ, một chiếc xe tải có tự trọng 14 tấn, sau khi cân thực tế tại trạm đăng kiểm tăng thêm 3 tấn so với chứng nhận của đơn vị nhập khẩu, cơ quan đăng kiểm sẽ giảm bớt 3 tấn tải trọng của xe theo quy định.

Một số trường hợp khác thì chủ xe tải đành phải bỏ không sử dụng chiếc xe đã hoán cải, cơi nới thùng xe vì chi phí đóng thùng xe gần đây tăng, khiến cho việc phục hồi lại nguyên trạng còn đắt hơn so với giá trị còn lại của chính chiếc xe.

Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hoá TPHCM cũng cho biết, khá nhiều hợp tác xã phải mua thêm xe tải mới nhằm tăng năng lực chuyên chở hàng hoá theo yêu cầu của khách hàng mà không phải chở hàng hoá quá tải.

Những người nhạy bén kinh doanh đã lập tức nhìn ra cơ hội làm ăn từ thực tế này: Một số “lò” chuyên đóng thùng xe tải đã tung ra dịch vụ cho thuê thùng xe “siêu nhẹ” để các doanh nghiệp gắn thùng xe này đi đăng kiểm, sau đó quay trở lại gắn thùng bình thường để chở hàng.

 

Chí Thịnh
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn online - thesaigontimes.vn