Đơn vị nghiệp vụ

(028) 3872 3316 - 3872 3317

ext
20/10/2014

Hoàn thiện hạ tầng, giao thông kết nối

Cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó có mục tiêu tập trung xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế tại Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT). Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh BR-VT đã chủ động chuẩn bị, triển khai các giải pháp phát huy tiềm năng của một đô thị cảng biển trong tương lai.

BR-VT có hệ thống tuyến bến cảng biển dài hơn 20km, chia thành 6 cụm cảng phát triển khá mạnh. Cùng với đó là mạng lưới sông ngòi chằng chịt, bờ biển dài, vịnh, sông sâu, lại thêm chiến lược đầu tư đúng hướng nên tỉnh này đang dần trở thành một trung tâm phát triển cảng biển bậc nhất của cả nước. Không những thế, phần lớn cảng biển BR-VT tiếp cận tuyến hàng hải quốc tế, liên thông với các cảng của Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, tạo thành một hệ thống cảng liên hoàn gắn với những trung tâm kinh tế phát triển năng động. Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hảo đảo Việt Nam nhận định: BR-VT có nhiều lợi thế tài nguyên, tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế biển; trong đó, hệ thống cảng biển là một lợi thế so sánh lớn. Bởi vậy, việc Chính phủ quy hoạch tập trung xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế BR-VT là một bước đi có tầm nhìn chiến lược.

Trên thực tế, nhờ có độ sâu lý tưởng (hơn 14m), cảng Cái Mép thuộc địa bàn tỉnh có thể tiếp đón các con tàu viễn dương với tải trọng lên đến 120.000 tấn. Đây là một lợi thế tuyệt đối của cảng Cái Mép so với tất cả các cảng biển hàng hóa hiện nay của nước ta. Đặc biệt, hàng hóa xuất khẩu từ các cảng tại khu vực Thị Vải-Cái Mép đi trực tiếp sang các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà không phải qua cảng trung chuyển. Hệ thống cảng biển nước sâu tạo ưu thế cho BR-VT phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp và thuận lợi trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng: Ngoài lợi thế tự nhiên, BR-VT còn có tiềm năng về giao thông, kết nối thuận lợi hoạt động giao thương quốc tế, liên kết các khu công nghiệp và cảng biển. Hiện nay, các dự án giao thông quốc gia cũng đã được Chính phủ đưa vào xây dựng hoàn thành trước năm 2020, bảo đảm cho BR-VT phát triển mạnh mẽ hoạt động cảng biển, thúc đẩy kinh tế, đời sống, xã hội.

Đặc biệt, việc đưa vào khai thác cảng công-ten-nơ SP-PSA và Tân cảng Sài Gòn-Cái Mép trong thời gian gần đây có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định vai trò và vị trí của cảng biển nước sâu Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, mở hướng đi mới cho ngành cảng biển Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng trên con đường hội nhập và phát triển.

Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, hệ thống cảng BR-VT là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), cho tàu có tải trọng đến 200.000 tấn. Mục tiêu này sẽ giúp cảng biển BR-VT trở thành một mắt xích chính trong mạng lưới toàn cầu của các hãng tàu hàng đầu thế giới. Để thực hiện quy hoạch, lãnh đạo tỉnh đã xác định lấy phát triển cảng làm nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng, vận tải biển, dịch vụ sau cảng… Ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Từ nhiều năm nay, tỉnh đã thống nhất đầu tư đồng bộ vào nhiều lĩnh vực, không đơn thuần chỉ ở cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật cho hoạt động sản xuất, quản lý, điều hành cảng. Đồng thời, các ban, ngành của tỉnh phối hợp thực hiện các giải pháp tác động đến chủ hàng, chủ tàu, chủ cảng thông qua tiếp thị, quảng bá, diễn đàn, ban hành các cơ chế ưu đãi để thu hút mọi nguồn lực.

Một trong những trở ngại lớn đối với sự phát triển của ngành dịch vụ cảng BR-VT hiện nay là cơ sở hạ tầng của toàn bộ hệ thống cảng thiếu đồng bộ. Theo các chuyên gia, việc định hình chiến lược phát triển cảng biển cần được thực hiện đồng bộ ở ba phương diện: Khai thác vùng không gian biển, khai thác vùng bờ biển và phát triển các lĩnh vực hậu cần cho kinh tế biển. Để đáp ứng nhu cầu về vận tải phục vụ hệ thống cảng, BR-VT đang đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu.

Ông Lương Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định: "Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành bộ khung về kết cấu hạ tầng giao thông; chú trọng công tác quy hoạch giao thông gồm các tuyến trục theo hướng Đông Tây, Nam Bắc liên hoàn và trải khắp các vùng trên địa bàn; phấn đấu hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn và mở rộng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cùng với đó, các cấp, ngành trong toàn tỉnh đang tích cực cải cách hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện giải quyết thủ tục đầu tư theo hướng một đầu mối; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), vấn đề cốt lõi cần quan tâm hàng đầu và phải hoàn thiện trước tiên là mạng lưới hạ tầng giao thông bộ, giao thông thủy, kết nối cụm cảng BR-VT với các trung tâm kinh tế cũng như giao thông nội khu vực cảng để tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa. Có như vậy mới bảo đảm phát triển xứng tầm cảng biển cửa ngõ quốc tế.

Tổng hợp từ internet