Đơn vị nghiệp vụ

(028) 3872 3316 - 3872 3317

ext
13/10/2014

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển: gỡ khó cho doanh nghiệp

Sáng 5/8, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển năm 2014 với sự chủ trì của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Tham dự hội nghị còn có các Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Trương Tấn Viên, Lê Đình Thọ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT, đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển… tại 5 điểm cầu Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng,  các Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Trương Tấn Viên, Lê Đình Thọ
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật, Vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng chủ trì Hội nghị
 

Theo báo cáo về tình hình vận tải biển, cảng biển được ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trình bày tại Hội nghị, tính đến nay, Việt Nam đã xây dựng được 44 cảng biển các loại, trong đó có 14 cảng biển loại I, 23 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III. Hệ thống cảng biển có khoảng 219 bến cảng với gần 43,6 km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải. Trong 6 tháng đầu năm 2014, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 176,1 triệu tấn, đạt 49,81% so với kế hoạch năm 2014 và tăng 13,86% so với cùng kỳ năm 2013, hàng container đạt 4,77 triệu TEUs, tăng 19,46% so với cùng kỳ năm 2013. Về tình hình vận tải biển Việt Nam, báo cáo cho biêt, tính đến ngày 30/6/2014 đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam có khoảng 1.700 tàu với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT và tổng dung tích là 4,3 triệu GT. Trong tổng số 1.700 tàu có 28 tàu container, 172 tàu chuyên dụng chở hàng rời, hơn 940 tàu tổng hợp, 150 tàu chở dầu hoá chất, 9 tàu chở khí hóa lỏng, 37 tàu khách. Trong 4 năm gần đây tốc độ phát triển tàu container trên thế giới đạt trung bình 6,8%/năm, tốc độ phát triển tàu container của Việt Nam chỉ đạt trung bình khoảng 1,1%. Ngoài ra, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng chung của thế giới, ngành vận tải biển Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi tích cực, giá cước vận tải nhìn chung thấp, nguồn hàng khan hiếm, chi phí hoạt tăng cao là khó khăn chung của các doanh nghiệp vận tải biển. Tuy nhiên, hiện tại đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam gần như đã đảm nhận được 100% sản lượng vận tải nội địa trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời... Khoảng 400 tàu đã tham gia vận tải quốc tế, đa phần trong số đó hoạt động trên các tuyến khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc. Một số doanh nghiệp lớn cũng đã có tàu hàng tổng hợp đủ năng lực hoạt động khai thác trên các tuyến đến châu Mỹ, châu Âu nhưng số lượng còn hạn chế.

Cũng theo báo cáo, Việt Nam có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Đây là một con số khá lớn nhưng trên thực tế đa phần lại là những doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Các công ty logistics Việt Nam mới chỉ hoạt động trong phạm vi nội địa hoặc một vài nước trong khu vực. Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa ý thức được việc đầu tư vào quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết không có phòng quản lý logistics hoặc chuỗi cung ứng mà phòng này thường được hiểu là phòng kinh doanh xuất nhập khẩu. Điều này tạo ra rào cản đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong việc chào các dịch vụ logistics giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, phần lớn cảng biển tại Việt Nam không được thiết kế cho việc bốc dỡ hàng cho tàu chuyên dùng, nhiều cảng nằm ngoài Thành phố Hồ Chí Minh chỉ được thiết kế cho hàng rời, không có trang thiết bị xếp dỡ container chuyên dụng. Hệ thống kho bãi hiện tại trên cả nước lại không phù hợp với hàng hóa bốc dỡ nhanh, trong đó có nhiều kho bãi đã được khai thác hơn 30 năm qua và không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, chi phí logistics của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ và cao hơn các nước đang phát triển như Trung Quốc hay Thái Lan. Chính chi phí logistics cao này làm giảm hiệu quả những cố gắng của Việt Nam trong việc giới thiệu thị trường lao động giá rẻ và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển, các Hiệp hội Cảng biển, Hiệp hội Chủ tàu, Hiệp hội Chủ hàng tham gia đối thoại tại các điểm cầu. Phần lớn các kiến nghị tập trung vào một số vấn đề như lãi suất vốn vay cho sản xuất kinh doanh, đóng tàu, vấn đề đăng kiểm tàu biển, giới hạn tuổi của tàu nhập khẩu, cải tạo, nạo vét luồng cho tàu vào cảng, giá sàn cho dịch vụ tại cảng biển các khu vực cũng như cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động của cảng biển, tăng thị phần vận tải của đội tàu Việt Nam...

Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị

       

Đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng,Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình cũng đã giải đáp một phần các câu hỏi, kiến nghị của các doanh nghiệp tham gia Hội nghị.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã bày tỏ sự chia sẻ và thông cảm với các khó khăn của doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển trong thời gian qua. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp chưa có điều kiện phát biểu tại Hội nghị tiếp tục gửi các ý kiến, đề xuất về Bộ GTVT. Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ và giải quyết ngay các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền cũng như sẽ có văn bản gửi Chính phủ và các Bộ ngành khác có liên quan để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực của các doanh nghiệp cảng biển, doanh nghiệp vận tải biển đã vượt qua khó khăn thách thức, phát triển sản xuất, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ rà soát lại quy hoạch phát triển cảng biển, phát triển các đội tàu biển trong cả nước để báo cáo Chính phủ có sự điều chỉnh. Tiếp tục thực hiện đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng cảng biển, hạ tầng kết nối cảng biển với cảng biển, kết nối cảng biển với đường sắt...Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh có hiệu quả phù hợp với tình hình thị trường vận tải Việt Nam.

Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với nhau, cùng nhau hoạt động có hiệu quả vì lợi ích quốc gia. Các doanh nghiệp cảng biển cần tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động, năng lực bốc xếp và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Bộ sẽ đề nghị với Bộ Công thương và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực đàm phán cho các doanh nghiệp để tránh thua thiệt khi các doanh nghiệp tham gia đàm phán với nước ngoài.

 

Nguồn: Trang thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải