Đơn vị nghiệp vụ

(028) 3872 3316 - 3872 3317

ext
13/10/2014

Kiểm soát tải trọng phương tiện: Nên “chữa bệnh” tận gốc

Trong vấn đề kiểm soát tải trọng phương tiện, nhiều ý kiến chỉ ra rằng sẽ hiệu quả hơn, ít vất vả, tốn kém hơn cho lực lượng thanh tra, kiểm tra nếu “chữa bệnh” tận gốc thay vì kiểm tra, kiểm soát trên đường.

Chỉ trong thời gian ngắn, từ khi tung lực lượng ra triển khai tầm soát tải trọng phương tiện vào giữa tháng 4-2014 đến nay, chỉ riêng lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã kiểm tra hơn 5.000 xe tải các loại, trong đó tổng số xe vi phạm khoảng 1.000 chiếc. Tổng số biên bản xử phạt vi phạm hành chính đã được lập hơn 1.500 biên bản, trong đó có gần 1.000 biên bản xử phạt chủ xe liên quan. Cũng có khoảng ngần ấy trường hợp bị tước giấy phép lái xe có thời hạn từ 30 - 60 ngày.

Kết quả kiểm tra phát hiện và xử phạt như thế cho thấy sự cố gắng của lực lượng chức năng trong việc tầm soát vấn đề nhưng mặt khác nó cũng cho thấy sự “hao người tốn công” khi thực hiện nhiệm vụ. Bởi trên thực tế, tham gia vào quá trình xử phạt này là một lực lượng hỗn hợp hùng hậu gồm các đội Thanh tra GTVT: số 1, số 4, số 6 và số 7, kết hợp với 3 đội Cảnh sát giao thông: Nam Sài Gòn, Cát Lái và Bình Triệu; ngoài ra còn có thêm lực lượng thanh niên xung phong. Nói cách khác, có lẽ thực tế đang cần một phương cách tầm soát tải trọng phương tiện khác tốt hơn, hiệu quả hơn thay vì đổ quân ra một số điểm nóng để kiểm soát trên đường.

Theo ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, để việc kiểm tra tải trọng phương tiện được đồng bộ và mang lại hiệu quả lâu dài, Bộ GTVT cần kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định thêm về trách nhiệm pháp lý cho một số đối tượng khác có liên quan, như các doanh nghiệp sản xuất - chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh kho hàng bến bãi… Cụ thể là các đối tượng có liên quan này phải có trách nhiệm chấp hành kiểm tra tải trọng xe ra vào đơn vị mình quản lý cũng như phối hợp và tạo điều kiện cho các lực lượng kiểm tra chuyên ngành trong việc kiểm tra tại các điểm xuất phát hàng hóa để không cho xe quá tải lăn bánh trên đường, một tác nhân gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. “Đơn vị nào không chấp hành thì cần bị xử phạt bằng tiền tương ứng với mức xử phạt chủ xe hiện nay liên quan đến hành vi để xe chở hàng quá tải ra vào đơn vị mình” - ông Đinh Nam Dinh nhấn mạnh.

Ông Đinh Nam Dinh không phải là người duy nhất nhìn ra tác dụng  của việc ràng buộc các đối tượng liên quan như vậy, bởi vì trước đó Thanh tra GTVT đã hơn một lần gióng lên tiếng chuông cảnh báo và đã đề xuất lên cấp thẩm quyền về việc kiểm soát tải trọng phương tiện tại nguồn. Lập luận được Thanh tra GTVT đưa ra là kiểm tra tận gốc gắn liền với trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan sẽ từng bước tác động tích cực vào ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng các doanh nghiệp vận tải, các lái xe, người xếp dỡ hàng hóa, các chủ hàng…

Lấy đối tượng các chủ hàng hóa làm ví dụ. Khi chủ hàng ký hợp đồng vận chuyển, chắc chắn họ phải biết rõ thời gian vận chuyển, khối lượng vận chuyển, loại hàng vận chuyển, đặc thù hàng hóa là kết cấu tháo rời được như sắt, thép hay không thể tháo rời như hàng container. Một khi đã nắm vững các thông số này, chủ hàng phải đưa xe phù hợp tải trọng hoặc điều nhiều phương tiện ra vận chuyển.

Cũng có ý kiến cho rằng nên chăng các kho cảng bến bãi do đã bị ràng buộc trách nhiệm nên sẽ cấp giấy chứng nhận chở hàng đúng tải trọng cho phương tiện xuất bến, khi đó các trạm cân tải trọng sẽ không phải “mất công” nhiều như hiện nay.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp từ khắp nơi gửi về, mới đây nhất Bộ GTVT đã có văn bản số 6494/BGTVT-VT về việc phối hợp với các đơn vị chức năng bao gồm các Sở GTVT các tỉnh, thành tổ chức kiểm tra, xác định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong thực hiện quy định về xếp dỡ hàng hóa lên ô tô. Cụ thể sẽ kiểm tra các đơn vị kinh doanh cảng biển, ga đường sắt, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng không về việc thực hiện xếp hàng hóa lên ô tô, xếp hàng hóa vào container.

Tại TPHCM, Phó giám đốc Sở GTVT Dương Hồng Thanh cho biết sắp tới sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra tại nguồn. Việc kiểm tra sẽ thực hiện trên hai khía cạnh: Kiểm tra tải trọng có phù hợp với đường sá và kiểm tra tải trọng có phù hợp với phương tiện không.


THIỆN NHÂN

Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng online