Đơn vị nghiệp vụ

(028) 3872 3316 - 3872 3317

ext
08/04/2015

Tăng cường kết nối cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 3/4, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng có buổi làm việc với Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín về việc tăng cường kết nối cảng biển khu vực TPHCM nhằm xử lý tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Đông Bắc Thành phố và các tỉnh lân cận.

Cùng dự họp có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công; lãnh đạo các Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, An toàn giao thông, Vận tải; Văn phòng Bộ; Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư; các Cục: Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long; Sở GTVT TPHCM.

Đại diện Sở GTVT TPHCM báo cáo tình hình giao thông
tại các cụm cảng trên địa bàn Thành phố

Theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM về quy hoạch cảng, hiện trạng giao thông và nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại các cụm cảng trên địa bàn Thành phố, hiện nay, có tổng cộng 05 cụm cảng (khu vực Cảng Cát Lái, Trường Thọ, Tân Thuận - Khánh Hội, Hiệp Phước, Phú Hữu). Trong thời gian qua, với việc gia tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển tại các cảng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình giao thông trên địa bàn TP, đặc biệt là tại khu vực Cảng Trường Thọ và Cát Lái.

Cụ thể, đến thời điểm năm 2014, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Cảng Trường Thọ đã đạt khoảng 20 triệu tấn/năm (gấp 5,6 lần so với quy hoạch đến năm 2030 được dự kiến là 3,6 triệu tấn/năm), tương đương 55.000 tấn/ngày.  Cùng với đó, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Cảng Cát Lái đạt khoảng 45 triệu tấn năm 2014 (xấp xỉ sản lượng theo quy hoạch năm 2015 là 46,6 triệu tấn/ năm); hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng khu vực TPHCM trong quý 1/2015 là 20 triệu tấn (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014).

Do sản lượng hàng hóa tăng cùng với mật độ lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực 2 cảng này là rất lớn, dẫn đến tình trạng các loại xe container phải dừng chờ kéo dài, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến Xa lộ Hà Nội và khu vực diện rộng tại khu vực Đông Bắc Thành phố. Bên cạnh đó, sau khi Dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác, mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến Vành đai 2 đã gia tăng rất lớn cũng đã góp phần dẫn đến tình trạng quá tải tại Vòng xoay Mỹ Thủy trên đường Nguyễn Thị Định.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn TPHCM có 07 trạm thu phí (TTP) đều chỉ bố trí 01 làn thu phí tự động theo 01 chiều lưu thông (trong khi mỗi TTP theo 01 chiều lưu thông có nhiều làn thu phí), dẫn đến tình trạng các loại xe phải dừng chờ thu phí mất rất nhiều thời gian và gây nên tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường có đặt TTP vào các giờ cao điểm, Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống thu phí tự động của các TTP trên địa bàn TP không liên thông với nhau, mỗi TTP có một hệ thống thu phí tự động riêng và không thống nhất.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín đưa ra một số giải pháp và kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh lân cận phối hợp xử lý vấn đề ùn tắc giao thông này.

“Đoạn tắc nhất hiện nay từ nút giao cầu Vĩnh Thủy - Cát Lái - Xa lộ Hà Nội luôn ùn tắc vào giờ cao điểm. Nguyên nhân do tập trung chủ yếu đến 90% xe tải và container với mật độ lưu lượng rất dày làm toàn bộ hệ thống giao thông trên tuyến này bị tê liệt, dẫn đến các hoạt động của TPHCM tê liệt vào giờ cao điểm, nguyên nhân chủ yếu do hàng hóa qua khu vực Tân Cảng, Trường Thọ… Về phía UBNDTPHCM sẽ chỉ đạo Sở GTVT xây dựng Đề án đẩy nhanh tiến độ di dời Cảng Trường Thọ.” - Ông Nguyễn Hữu Tín cho biết.

Trên cơ sở phân tích tình hình giao thông tại các khu vực Cảng Trường Thọ, Cảng Cát Lái, UBND TPHCM kiến nghị Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa; cụ thể là thống nhất nội dung di dời Cụm cảng Cảng Cát Lái ra khỏi khu vực nội đô và điều chỉnh thời gian di dời phải hoàn thành trong năm 2016, làm cơ sở để UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ xây dựng phương án di dời. Đồng thời; sớm phê duyệt Dự án xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3 TPHCM; chỉ đạo chủ đầu tư dự án ưu tiên triển khai thi công trước các phân đoạn thuộc địa bàn TP nhằm tạo điều kiện cho các loại xe từ Cảng Cát Lái lưu thông theo lộ trình phù hợp, tránh lưu thông qua khu vực nội đô Thành phố.

Nhằm giảm ngắn thời gian thu phí cũng như tránh tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí (TTP), UBND TPHCM kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Chủ đầu tư các TTP đường dẫn cao tốc TPHCM-Trung Lương, đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây phối hợp với Thành phố trong việc triển khai thống nhất 01 loại thẻ thu phí tự động trên toàn bộ các TTP của Thành phố.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý về chủ trương đầu tư, triển khai đồng bộ hệ thống TTP tự động theo đề nghị của UBND TPHCM.

Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc trên địa bàn Thành phố, Bộ trưởng giao cho Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT nghiên cứu tổng thể về hệ thống giao thông trên địa bàn TPHCM; tính toán cụ thể về tổ chức, bố trí phân luồng, đầu tư cái gì; phân rõ trách nhiệm của Bộ GTVT và TPHCM để phối hợp; cách thức tổ chức các cảng, từ đó đề ra các giải pháp xử lý; phối hợp với UBND TPHCM đưa ra phương án tổ chức, bố trí lại giao thông, phân luồng giao thông, đồng thời báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 15/4 tới đây .

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đẩy nhanh tiến độ Dự án đường Vành đai 3 TPHCM và Dự án nút giao cầu vượt Sài Gòn - Trung Lương. Việc sớm đưa các dự án này vào khai thác sẽ giúp giảm áp lực giao thông khu vực Đông Bắc Thành phố.

VH

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải - www.mt.gov.vn