Đơn vị nghiệp vụ

(028) 3872 3316 - 3872 3317

ext
25/02/2015

Trang thông tin điện tử tổng hợp và báo điện tử khác nhau thế nào?

Cùng là loại hình trang thông tin điện tử, song báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp có những yêu cầu và quy trình thủ tục cấp phép khác nhau.

Việc xin cấp phép hoạt động báo điện tử không dễ dàng, cần phải đáp ứng yêu cầu rất khắt khe hơn so với xin cấp phép của một trang thông tin điện tử tổng hợp. Vì vậy đã có một số đơn vị chỉ xin giấy phép cung cấp trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng lại hoạt động như một tờ báo điện tử và bị cơ quan chức năng xử lý.

Từ góc độ quản lý, sự khác biệt giữa hai loại hình trang thông tin điện tử trên như sau: giấy phép hoạt động báo điện tử sẽ được cấp cho các cơ quan, tổ chức, không được cấp cho doanh nghiệp. Báo điện tử được hoạt động như một tờ báo với cơ cấu thành phần có tổng biên tập, bộ phận tòa soạn, phóng viên. Báo điện tử được quyền đăng tải nội dung (tin, bài báo) do tờ báo sản xuất hoặc dẫn lại nội dung thông tin của các tờ báo khác (có thỏa thuận về bản quyền).

Còn giấy phép với trang thông tin điện tử tổng hợp có thể được cấp cho doanh nghiệp hay các cơ quan, tổ chức, trong đó có cơ quan báo chí. Trang thông tin điện tử tổng hợp không được phép tự sản xuất nội dung thông tin và đưa lên trang của mình như cơ quan báo chí mà phải lấy lại thông tin từ tờ báo cùng cơ quan chủ quản hoặc các trang web khác (phải có thỏa thuận về bản quyền).

Như vậy một tờ báo giấy giả sử nếu chỉ có thêm giấy phép làm trang thông tin điện tử thì chỉ được đăng lại tin bài của tờ báo giấy chứ không được tự sản xuất tin bài cho trang thông tin điện tử này!
 

 

Trang thông tin điện tử mà hoạt động như báo điện tử sẽ bị phạt. Hình minh họa: Kim Long

Sự khác biệt giữa báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp thật ra nằm ở khâu quản lý (cấp phép và quản lý hoạt động). Còn trên môi trường mạng internet với sự phát triển bùng nổ của quá nhiều trang thông tin điện tử hiện nay, thì bạn đọc khó mà phân biệt được đâu là báo điện tử và đâu là trang thông tin điện tử tổng hợp, nhất là khi có nhiều tờ báo cũng xin phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, không xin cấp phép báo điện tử.

Từ vụ việc cụ thể

Trường hợp mới đây tại báo Người Cao tuổi là một ví dụ điển hình. Lâu nay, bạn đọc của trang web www.nguoicaotuoi.org.vn vẫn nghĩ đây là phiên bản điện tử của báo Người Cao tuổi. Song, thực tế nó chỉ được cấp phép hoạt động là một trang thông tin điện tử tổng hợp vào cuối năm 2010.

Và ngày 9-2 vừa qua, báo Người Cao tuổi đã bị xử phạt và buộc đóng cửa trang web trên về lỗi duy trì trang web www.nguoicaotuoi.org.vn như một tờ báo điện tử, xuất bản một số tin, bài trên trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa có giấy phép báo điện tử, được Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông cho là vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Theo số liệu của Bộ Thông tin Truyền thông, tính đến hết năm 2014, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm báo chí, 90 báo và tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí.

Theo giải thích của chuyên gia trong ngành (đề nghị không nêu tên), có tờ báo không muốn xin cấp phép báo điện tử vì họ chỉ có ý định đưa nội dung do tờ báo giấy sản xuất lên trang thông tin điện tử tổng hợp. Chưa kể đến việc xin cấp phép hoạt động một tờ báo điện tử khó hơn nhiều so với việc xin cấp phép hoạt động một trang thông tin điện tử. Thêm nữa, một cơ quan chỉ được cấp phép hoạt động báo điện tử khi phù hợp với quy hoạch báo chí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Theo thông tư số 33 / 2011 /TT-BTTTT quy định chi tiết việc cấp giấy phép hoạt động báo chí điện tử).
 

Các loại trang thông tin điện tử

Nghị định số 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: “Trang thông tin điện tử trên Internet là trang thông tin hoặc tập hợp trang thông tin phục vụ cho việc cung cấp và trao đổi thông tin trên môi trường Internet, bao gồm trang thông tin điện tử (website), trang thông tin điện tử cá nhân (blog), cổng thông tin điện tử (portal) và các hình thức tương tự khác.”

Còn trong Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trang thông tin điện tử được phân loại và quy định quản lý như sau:

1. Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử, được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về báo chí.

2. Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.

3. Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề và thông tin khác phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó và không cung cấp thông tin tổng hợp.

4. Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp. Trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử nội bộ phải tuân theo các quy định về đăng ký và sử dụng tài nguyên Internet và các quy định có liên quan tại Nghị định này.

5. Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác và không cung cấp thông tin tổng hợp. Trang thông tin điện tử này được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định có liên quan.

Theo thông tư số 9/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, các trang thông tin điện tử không phải cấp phép gồm: trang thông tin điện tử nội bộ; trang thông tin điện tử cá nhân; trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành; diễn đàn nội bộ dành cho hoạt động trao đổi, hỏi đáp thông tin nội bộ liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó; trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin được quy định tại Điều 10 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, thông tư số 9/2014/TT-BTTTT cũng quy định các trang thông tin điện tử phải cấp phép hoạt động là: trang thông tin điện tử tổng hợp; các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành khi cung cấp thông tin tổng hợp thì phải đề nghị cấp phép như đối với trang thông tin điện tử tổng hợp.

Ngoài ra, thông tư còn quy định, trang thông tin điện tử tổng hợp khi trích dẫn lại thông tin phải tuân theo quy định về nguồn tin (được quy định tại khoản 18 Điều 3, khoản 2 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP); không đăng tải ý kiến nhận xét, bình luận của độc giả về nội dung tin, bài được trích dẫn (trừ trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí).


Vân Oanh
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn online - thesaigontimes.vn